Những ý tưởng khởi nghiệp từ bã cà phê
1. Làm dầu từ bã cà phê
Dầu được chiết xuất từ bã cà phê đang được Công ty Revive Eco (Scotland) thử nghiệm nhằm thay thế dầu cọ thông thường. Được biết, để có dầu cọ, những khu rừng mưa nhiệt đới ở Malaysia và Indonesia đang bị khai thác, tàn phá nặng nề. Do vậy, sử dụng dầu từ bã cà phê vừa giúp bảo vệ rừng vừa xử lý một lượng rác thải lớn từ ngành công nghiệp cà phê.
Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ứng dụng tiềm năng của dầu từ bã cà phê trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và dược phẩm như: chăm sóc tóc, khử mùi, làm sạch…
2. Khẩu trang cà phê
Khẩu trang sản xuất từ sợi cà phê đảm bảo tính kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm cho người dùng và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường nhờ khả năng tự phân hủy sinh học. Lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày. Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp Nano bạc và cà phê.
Điểm đặc biệt của chiếc khẩu trang này chính là mùi hương cà phê tự nhiên khiến việc đeo khẩu trang không còn là điều gì đó quá ngột ngạt mà trở nên thư giãn, thoải mái hơn.
3. Sản xuất mỹ phẩm
Bã cà phê có caffeine, chất béo vừa đủ, khoáng chất và axit linoleic (được xem như một loại vitamin)... Đây là những dưỡng chất rất tốt cho làm đẹp da, tẩy da chết, kháng khuẩn, làm sạch và dưỡng trắng da. Vì thế, bã cà phê là nguồn nguyên liệu không thể bỏ qua với hướng đi sản xuất mỹ phẩm.
Sản phẩm từ bã cà phê như xà phòng, tẩy da chết, dưỡng tóc, mascara, bột tắm trắng, son môi… có nhiều ưu điểm nhưng phải kể đến độ an toàn cao và hương thơm tự nhiên dễ chịu.
4. Ly thân thiện với môi trường
Những chiếc ly đặc biệt này được tạo nên từ bã cà phê với bột gỗ, bên ngoài là một lớp chất dẻo sinh học chế tạo từ xenluloza, lignin và nhựa cây.
Ly Kaffeeform có thể được sử dụng liên tục trên 3 năm, trong quá trình tiếp xúc với nước nóng, những chiếc ly này có thể tạo ra nhiều mảng màu Patina rất đẹp trong ly.
Quá trình “đổ khung” cho những chiếc ly Kaffeeform thân thiện với môi trường khi chỉ sử dụng áp suất và hơi nóng. Trung bình, cứ khoảng 6 ly cà phê đã qua sử dụng sẽ cho ra lượng bã cà phê đủ để tạo thành một ly Kaffeeform.
5. Giày làm từ bã cà phê
Để sản xuất một đôi giày, nguyên liệu đầu vào sẽ là 300 gram bã cà phê đã qua sử dụng và 6 chai nhựa tái chế. Ngoài chống ướt, giày Rens sẽ nhẹ hơn và có khả năng chống mùi tốt.
Chỉ may giày Rens là loại chỉ polyeste tổng hợp từ bã cà phê. Ngoài ra, loại polyeste tổng hợp cũng giúp đôi giày có khả năng chống thấm nước, đây là ưu điểm vượt trội của Rens.
Hơn nữa, dù mặt ngoài của giày vẫn ướt nhưng nước không thể vào bên trong. Nếu nước có dính vào mặt ngoài thì cũng sẽ khô rất nhanh, thậm chí là nhanh hơn gấp 2 lần so với vải bình thường.
6. Chế tạo xăng sinh học
Đa phần, bã cà phê hiện nay đều là sản phẩm bỏ đi sau khi sử dụng. Đối với phương pháp chế biến bã cà phê thành xăng sinh học theo cách thông thường: trộn bã cà phê với haxane ở nhiệt độ 60 ºC trong từ một đến hai giờ, để chiết xuất dầu từ bã cà phê. Tiếp theo, haxane sẽ được làm bay hơi và còn lại tinh dầu. Methanol và chất xúc tác sẽ được bổ sung để tạo thành xăng sinh học và glycerol phụ phẩm cũng được tạo ra từ quá trình này. Cuối cùng tách lọc để tạo ra xăng sinh học phục vụ con người.
Mới đây, Giáo sư Vesna Najdanovic-Visak (Đại học Lancaster, Anh) đã phát triển một kỹ thuật mới trong chế biến bã cà phê thành xăng sinh học được gọi là quy trình chuyển đổi tại chỗ, quy trình này đơn giản hóa 2 bước chiết xuất dầu và biến dầu thành xăng sinh học chỉ còn 1 bước. Haxane được loại bỏ hoàn toàn, methanol và một số chất xúc tác khác sẽ được bổ sung trực tiếp vào hợp chất. Và như thế, dầu được chiết xuất từ bã cà phê nhờ quy trình này chỉ mất khoảng 10 phút thay vì 1-2 tiếng như trước đây.
Nguồn: Năng Lượng Sạch Việt Nam