Hội thảo Ẩm thực & Đồ uống Việt Nam 2023: Những góc nhìn chuyên gia về tương lai của ngành ẩm thực Việt
Hội thảo đầu tiên diễn ra vào ngày 10/03 tại khách sạn Novotel Hanoi Thái Hà ở Hà Nội, và được tiếp nối vào ngày 17/03 tại The Global City, TP.HCM. Nằm trong chuỗi sự kiện Flavors Việt Nam 2023, Hội thảo Ẩm thực & Đồ uống Việt Nam 2023 là sự hợp tác giữa Vietcetera và Mastercard nhằm thảo luận về những khía cạnh nổi bật của ngành và chiến lược để đưa ngành F&B Việt phát triển hơn nữa.
Các phiên thảo luận trong hội thảo được Hảo Trần – CEO của Vietcetera, Calvin Bùi – Vlogger ẩm thực kiêm Nhà giám tuyển của Flavors Việt Nam 2023, và Hà Chu – Nhà sáng lập học viện COOKED F&B School thay nhau dẫn dắt. Dưới đây là một vài điểm chính trong 2 buổi Hội thảo vừa qua.
Danh sách khách mời tại sự kiện Hồ Chí Minh
Danh sách khách mời tại sự kiện Hà Nội
Cà phê Việt Nam: Kết nối với nông dân địa phương
Trong phiên thảo luận “Đi tìm hương vị cà phê hoàn hảo qua những xu hướng cà phê mới nhất” (Battle of the Beans – Exploring the Latest Coffee Trends in Search of the Perfect Cup), Timen Swijtink – Nhà sáng lập của Lacàph – đã chia sẻ về tiềm năng của Việt Nam so với những nước sản xuất cà phê khác.
Theo đó, Việt Nam là một trong ít quốc gia có thể sản xuất và phát triển cà phê một cách độc lập. Không phải quốc gia nào cũng tự trồng hạt cà phê và xây dựng được chuỗi cung ứng có thể vận chuyển hàng hoá chỉ trong 6 tiếng như Việt Nam.
Timen cũng nhấn mạnh vai trò chủ chốt của nông dân với ngành cà phê trong nước. Nhiệm vụ chủ yếu của Lacàph là hỗ trợ những người nông dân địa phương trồng cà phê và quảng bá cà phê nước nhà ra thế giới.
Tại Việt Nam, hạt robusta chiếm tới 94% sản lượng hạt cà phê toàn quốc. Vì vậy “những nông trại cà phê cần phải thay đổi để ưu tiên chất lượng hơn số lượng”, từ đó sản xuất ra được loại hạt robusta chất lượng cao, và những ly cà phê thơm ngon hơn. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy Lacàph nghiên cứu và cải tiến phương pháp sản xuất cà phê.
Phiên thảo luận “Đi tìm hương vị cà phê hoàn hảo qua những xu hướng cà phê mới nhất” giữa Timen Swijtink và host Calvin Bùi
Tương lai của thị trường bánh ngọt có “ngọt ngào”?
Trong phiên thảo luận “Tương lai của ngành bánh ngọt: Tìm điểm cân bằng giữa văn hoá địa phương và kỹ thuật quốc tế” (The Future Looks Sweet: Finding harmony between local culture and international techniques), Lê Trần Thiên Hạnh – Bếp trưởng bếp bánh tại The Monkey Gallery Dining & Dessert Bar – cho biết, tương lai của ngành bánh ngọt và món tráng miệng tại Việt Nam, chắc chắn sẽ rất khác biệt với hiện tại. Đầu bếp và thợ làm bánh sẽ cởi mở thể hiện cá tính của họ hơn trong những chiếc bánh và thành phẩm ngọt ngào, thay vì chỉ áp dụng máy móc những gì được dạy.
Trong phiên thảo luận tại Hà Nội, Hoả Quốc Anh – COO của C’est Si Bon và Olive Studio – khẳng định nhu cầu trong ngành đồ ngọt đang bùng nổ mạnh. Theo Quốc Anh, Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu đó và vì thế “thị trường đồ ngọt đang có đà phát triển tốt trong năm năm tới”.
Là người làm trong lĩnh vực sản xuất đồ ngọt, Vincent Mourou – Nhà đồng sáng lập và CEO của Marou Chocolate – cũng chia sẻ về xu hướng mua đồ ngọt làm quà tặng của người tiêu dùng Việt, và cách Marou Chocolate kết hợp những hương vị ẩm thực đặc trưng của Việt Nam vào những thanh chocolate.
Phiên thảo luận “Tương lai của ngành bánh ngọt: Tìm điểm cân bằng giữa văn hoá địa phương và kỹ thuật quốc tế” giữa các chuyên gia tại đầu cầu Hà Nội
Ẩm thực cao cấp và ẩm thực đường phố
Trong phiên thảo luận “Cuộc đổ bộ của bảng xếp hạng Asia 50 Best và Michelin Guide vào Việt Nam – Áp lực hay sự công nhận?” (Asia 50 Best and Michelin Guide coming to Vietnam – Pressure or Validation?), Hảo Trần đã trò chuyện với chef Hoàng Tùng để tìm hiểu về tác động của những bảng xếp hạng F&B uy tín này với nền ẩm thực Việt Nam.
Tùng chia sẻ: “Với tôi, sao Michelin không phải là đích đến, mà là sự công nhận cho những gì bạn đã cống hiến và trải qua. Sự có mặt chính thức của Michelin Guide là một dấu mốc đặc biệt cho Việt Nam”. Dù nhận được sự chú ý của các bảng xếp hạng này đi kèm với áp lực rất lớn, các cá nhân và doanh nghiệp F&B cần phải giữ được nhịp vận hành và sự nhất quán trong chất lượng dịch vụ.
CEO Vietcetera và chef Hoàng Tùng trong phiên thảo luận “Cuộc đổ bộ của bảng xếp hạng Asia 50 Best và Michelin Guide vào Việt Nam – Áp lực hay sự công nhận?”
Trong một phiên thảo luận khác mang tên “Đưa ẩm thực cao cấp đến với đường phố: Liệu có khả thi?” (From Michelin to Munchies: Is it Possible to Bring Fine Dining to the Street?), Julien Perraudin – Bếp trưởng tại nhà hàng Quince, cùng Pedro Goizueta – Bếp trưởng và nhà sáng lập nhà hàng Iberico, đã cùng bàn luận về những thách thức khi phổ biến ẩm thực cao cấp tới tới đường phố. Cả hai cho biết dù khả năng để ẩm thực đường phố đạt sao Michelin là khá thấp, nhưng cách các hàng quán lề đường có thể mang lại trải nghiệm ăn uống hấp dẫn cho thực khách vẫn là những chủ đề rất thú vị và đáng nghiên cứu.
Tầm quan trọng của chiến lược marketing số
Đức Bùi – Giám đốc Sáng tạo cùng Khánh Ngọc – COO của FPDB Studio cho biết mục tiêu của họ là quảng báo ẩm thực về ngành F&B của Việt Nam ra thế giới. Cả hai nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố hình ảnh trong quảng bá và làm thế nào để thu hút thị giác khán giả trong 2 giây đầu tiên.
Trong thời đại mạng xã hội đã trở thành một trong những nguồn thông tin chính như hiện nay, hình ảnh rất quan trọng với thương hiệu vì chúng có tác động lớn đến cảm xúc và các khán giả nhìn nhận thương hiệu. Trước kia, danh tiếng của một nhà hàng có được là nhờ lời truyền miệng rộng rãi của thực khách dùng bữa tới bạn bè và gia đình của họ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, những đề xuất địa điểm ăn uống còn được lan tỏa và biết đến nhiều hơn còn nhờ vào những hình ảnh ngon miệng và đẹp mắt.
Đức Bùi – Giám đốc Sáng tạo cùng Khánh Ngọc – COO của FPDB Studio chia sẻ về chủ đề tầm quan trọng của chiến lược marketing số
Với Vũ Mỹ Linh, Blogger với cái tên NoFoodPhobia và là khách mời trong hội thảo tại Hà Nội, mạng xã hội từng là một nền tảng đăng tải những đánh giá chân thực về đồ ăn và nhà hàng. Là một influencer lâu năm trong ngành, Mỹ Linh chia sẻ ý kiến và trải nghiệm chân thực của mình về những nơi cô ghé thăm trên tài khoản mạng xã hội. Cô cũng mong có thể giúp những người theo dõi mình có sự lựa chọn ăn uống tốt nhất giữa thời đại mà nhà nhà “bão” marketing và mời KOL để quảng bá dịch vụ.
Chặng đường của Flavors Việt Nam 2023 vẫn chưa dừng lại. Những sự kiện hấp dẫn khác như “Thử thách Đầu bếp Tài năng” vào tháng 4 và “Tuần lễ Nhà hàng và Quán bar Việt Nam” trong tháng 5 và tháng 6 sẽ tiếp tục được triển khai. Đặc biệt, không chỉ kéo dài 2 tuần – gấp đôi thời gian so với năm ngoái, “Tuần lễ Nhà hàng và Quán bar Việt Nam” năm nay còn mở rộng tới thành phố biển Đà Nẵng với nhiều cái tên mới, hứa hẹn mang đến cho thực khách trải nghiệm khám phá ẩm thực địa phương thú vị.
Nguồn: Brand Vietnam