Doanh nghiệp chuyển đổi số để thích nghi, “sống chung” với đại dịch
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) vừa tổ chức chương trình đối thoại cùng báo chí với chủ đề “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của doanh nghiệp” theo hình thức trực tuyến.
Trao đổi tại chương trình, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang nền tảng số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… Trong đó đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết, trên 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử cũng như tự động hóa quy trình.
3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...
Ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen chia sẻ, chuyển đổi số giúp công ty có thể ứng phó và tiếp tục phát triển lành mạnh dưới sự tác động của đại dịch. Chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.
Traphaco, đại diện doanh nghiệp Việt Nam thích ứng phát triển thành công trong đại dịch cũng cho biết, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online.
Nắm bắt xu hướng, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế số. Vì vậy, cần thiết phải có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa để tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào thì các công nghệ hỗ trợ nhân viên, phát triển đội nhóm hay phần mềm quản lý dự án đều là những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi quy trình vận hành của doanh nghiệp được tinh giản, thông minh hóa và nhân viên có tác phong làm việc hiện đại, được trang bị các công cụ dễ hiểu, gắn kết và tương tác với khách hàng đa kênh một cách dễ dàng.
Đối với SMEs, nên sử dụng hạ tầng công nghệ dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung do các đối tác công nghệ lớn phát triển và cung cấp các ứng dụng... Các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự đổi mới về tư duy để nhận thức đúng đắn vấn đề: Chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng hay chỉ là một dự án công nghệ thông tin mà là sự biến đổi toàn diện về cách thức vận hành doanh nghiệp, thiết kế sản phẩm, mô hình kinh doanh, tương tác với khách hàng và các đối tác trong hệ sinh thái.
Nguồn: Năng Lượng Sạch Việt Nam