Re-live Adtima Tết 2022: Xu hướng lì xì qua ví điện tử lên ngôi

Ngày 31/8, sự kiện Tết Reinvented của Adtima mang đến những insight thú vị về người tiêu dùng trong dịp Tết 2021 và dự đoán về Tết 2022. Bên cạnh đó, với những gợi ý về công cụ quảng cáo và ý tưởng, thương hiệu có thể tham khảo nhằm tối ưu hiệu quả chiến dịch Tết 2022.
Chia sẻ:

Các đại diện của Adtima góp mặt tại sự kiện là bà Thuý Chu – Client Service Director,  Anh Nguyễn – Head of Audience Insight, bà Mai Lương – Head of Strategic & Planning, và ông Huy Phan – Creative Director. Nội dung được trình bày lần lượt các phần:

  • 4 xu hướng mới của Tết truyền thống
  • Chiến dịch Tết 2021 đáng chú ý được triển khai trên nền tảng của Adtima
  • 3 ý tưởng cho chiến dịch Tết 2022

 

4 xu hướng mới của Tết truyền thống

Bà Anh Nguyễn chia sẻ về 4 xu hướng mới của Tết truyền thống đã và sẽ diễn ra như thế nào. Những insight được tổng hợp dựa trên 2 nghiên cứu của Adtima: Thói quen, suy nghĩ và hành vi của người dùng trong dịp Tết (thực hiện vào tháng 2/2021), và Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (thực hiện vào tháng 6/2021).

1. Trở về Tết nguyên bản

Người tiêu dùng:

Vào dịp Tết 2021, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng ổn định và không tăng nhiều. Đó là do đợt sóng COVID-19 thứ 3 diễn ra ngay trước Tết chỉ vài ngày, và kinh tế gia đình chưa phục hồi từ đợt dịch thứ 2. Cụ thể, 33% người đáp cho rằng họ lo lắng về việc phải chi tiêu quá nhiều vào dịp Tết. Ngoài ra, 47% người đáp cho biết họ chi tiêu cho bản thân ít hơn vào Tết 2021 so với Tết 2020.

33% người lo lắng về việc phải chi tiêu quá nhiều vào dịp Tết

Trước tình cảnh kinh tế khó khăn, có khoảng 60-70% người được khảo sát mong muốn giá cả ổn định hơn, không bị lạm phát; 59% muốn có nhiều khuyến mãi, giảm giá hơn. Giãn cách xã hội còn dẫn đến số lần mua sắm giảm mạnh. Thông thường, người tiêu dùng Việt có xu hướng tích trữ hàng hoá vào vài ngày trước Tết, nhưng nay số lần mua sắm giảm khoảng 10% trong Tết 2021 so với Tết 2019. Song song, giá trị đơn hàng tăng dần đều qua các năm.

Số lần mua sắm giảm, giá trị mỗi đơn hàng tăng

Lời khuyên cho nhãn hàng: (1) đem lại những giá trị hữu ích về mặt tài chính, cảm xúc và công năng; (2) hỗ trợ nhiều điểm mua sắm hơn cả về online lẫn offline. Do đó, nhãn hàng cần thúc đẩy truyền thông sớm 4-5 tuần trước Tết để đảm bảo sự hiện diện thương hiệu từ lúc người tiêu dùng chuẩn bị mua sắm.

2. Số hoá Tết cổ truyền

Người tiêu dùng:

Xu hướng dùng ví điện tử để mừng tuổi đã giúp tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng Online Money Transfer tăng cao hơn. Lý do là vì việc sử dụng nhân vật, lời chúc đáng yêu giúp tăng thêm tính tương tác, và đại dịch khiến việc trao gửi tiền mặt trở nên bất tiện.

Xu hướng dùng ví điện tử để mừng tuổi tăng cao

Lời khuyên cho nhãn hàng: Nhiệm vụ của nhãn hàng là hiện đại hoá trải nghiệm đón xuân bằng các hình thức tương tác trên nền tảng digital. Bên cạnh đó, nhãn hàng cần thích ứng với sự chuyển đổi trong hành vi mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh trực tuyến. Chẳng hạn, nhãn hàng triển khai nội dung giúp các phụ nữ nội trợ bớt vất vả với những bí quyết dạy nấu ăn, bảo quản thức ăn, chăm sóc nhà cửa… vào dịp Tết.

3. Tình thâm và tình thân

Người tiêu dùng:

Theo một khảo sát dịp Tết 2021 của Adtima, hơn 19% người lo sợ không được về quê thăm gia đình, khoảng 17% người lo lắng gia đình không đủ điều kiện đón Tết như mọi năm, và 24% bận tâm về việc giá cả tăng cao trong khi kinh tế ngày một eo hẹp.

Dù vậy, Tết vẫn là dịp ý nghĩa để nhìn lại thành quả của bản thân trong vòng 1 năm qua và hy vọng về tương lai sắp tới. Trong đó, có 3 yếu tố được nhiều người chú tâm: (1) yêu chiều bản thân hơn bằng cách chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp; (2) tự đánh giá tình hình tài chính và sự nghiệp; (3) cơ hội gắn kết tình thân.

Lời khuyên cho nhãn hàng: Chiến dịch truyền thông của nhãn hàng có thể: (1) khơi gợi khoảnh khắc bên cạnh người thân yêu để chạm đến trái tim người tiêu dùng; (2) lan truyền sự tích cực; (3) truyền cảm hứng, đồng hành cùng người tiêu dùng để có một dịp Tết đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần.

4. Những thay đổi trong thói quen tiêu thụ nội dung giải trí

Người tiêu dùng:

So với năm 2020, xu hướng sử dụng các dịch vụ như mạng xã hội, nhắn tin, nghe nhạc và xem phim online… tăng mạnh trong năm 2021.

Về mảng thông tin, so với dịp Tết thông thường, người tiêu dùng nay chú trọng đến đề tài sức khoẻ nhiều hơn, và ít quan tâm đến tin thời sự, giải trí.

Về âm nhạc, nhạc rap trở nên thịnh hành nhờ vào sự phổ biến của các chương trình thi rap. Nhiều nhãn hàng cũng nắm bắt xu hướng này và ra mắt nhiều MV “viral” như Đi về nhà (Honda), Chuyện cũ bỏ qua (Miranda), Mang Tết về nhà (Pepsi)…

Lời khuyên cho nhãn hàng: Nội dung quảng cáo cần chia sẻ thông điệp yêu thương, cung cấp thông tin hữu ích về đời sống xã hội, nội dung hài hước kèm thông điệp tích cực, hoặc thông điệp quảng cáo kèm với thông tin khuyến mãi.

Chiến dịch Tết đáng chú ý được triển khai trên nền tảng của Adtima

Tiếp nối chương trình, bà Mai Lương chia sẻ những chiến dịch Tết 2021 tiêu biểu cùng một số công cụ quảng cáo nổi bật cho Tết 2022.

1. Chiến dịch nổi bật trong Tết 2021

Tuyệt đỉnh lì xì, lộc xuân như ý – ZaloPay

Trong chiến dịch, ZaloPay “nâng cấp” tính năng lì xì online trên nền tảng. Cụ thể, thương hiệu tạo ra vòng xoay may mắn với tên gọi Tuyệt đỉnh lì xì, lộc xuân như ý. Qua đó, ZaloPay khuyến khích mọi người lì xì cho nhau bằng những “cơn mưa” quà tặng, hay trò chuyện nhóm trên Zalo để có thêm nhiều lượt chơi hơn. Kết quả là có khoảng 7,5 triệu người tham gia và chiến dịch đạt được 175% chỉ tiêu đề ra trước đó.

Thử thách nhỏ hoá tiệc Tết diệu kỳ – Coca-Cola

Trong Tết 2021, Coca-Cola xây dựng chiến dịch xoay quanh ý tưởng là những hành động nhỏ giúp lan toả không khí Tết, tạo nên một Tết ấm cúng không chỉ cho bản thân mà còn cho những người gặp khó khăn. Thương hiệu tạo ra chuỗi 12 thử thách và người dùng tham gia bằng cách chia sẻ bữa ăn Tết, chia sẻ lời chúc hoặc trao đi bữa ăn cho người gặp khó khăn. Tổng kết chiến dịch, có hơn 30.000 hành động nhỏ được thực hiện.

Khui Beck’s Ice, săn vàng chất – Beck’s Ice

Người tiêu dùng không còn xa lạ với những chương trình bật nắp chai/lon để trúng thưởng của thương hiệu bia. Cách triển khai này khiến quá trình vận hành gặp nhiều khó khăn như gian lận, tối ưu hoá chi phí về mặt nhân sự, hệ thống…

Thế nên, trong chiến dịch này, Zalo cùng Beck’s Ice sản xuất QR Code thay cho nội dung giải thưởng in theo kiểu truyển thống trên nắp chai, lon. Theo đó, người dùng quét QR Code thông qua máy ảnh của ứng dụng Zalo để truy cập vào landing page, xác nhận thông tin và nhận giải thưởng.

2. Công cụ quảng cáo trên nền tảng Adtima

Ở phần này, bà Mai giới thiệu một số định dạng quảng cáo giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả chiến dịch. Chẳng hạn:

  • Sponsor Playlist – tuyển tập nhạc xuân giúp thương hiệu đạt được 2 mục tiêu truyền thông: 100% SOV khi áp dụng định dạng quảng cáo Display Video, Audio Ads.
  • Live Room giúp thương hiệu đánh vào nhu cầu giải trí tại gia của người dùng. Thương hiệu có thể thử nghiệm quảng cáo ở nhiều phòng nhạc khác nhau với các chủ đề YOLO Time, Me Time, và The New Me.
  • Hình thức thiệp nhạc trên Zing MP3 là một cải tiến nhỏ của Adtima trong việc gia tăng tương tác với người dùng. Với thư viện giai điệu cùng lời bài hát sẵn có, người dùng có thể tạo thiệp nhạc cho riêng mình và chia sẻ đến bạn bè trên mạng xã hội.
  • Full-screen Animation: Nhãn dán sẽ bung ra tràn màn hình cùng với logo của thương hiệu. Chẳng hạn, chiến dịch Catch The Tết của Lazada diễn ra trong 8 ngày, đỉnh điểm vào mùng 1 Tết, chiến dịch ghi nhận có đến 28 triệu lượt gửi nhãn dán.

Gợi ý ý tưởng cho chiến dịch Tết 2022

Kết thúc webinar là phần chia sẻ của ông Huy Phan về 3 ý tưởng cho chiến dịch Tết 2022.

Tết trọn giác quan

Mỗi người đều có những cách thức khác nhau để gợi nhớ về Tết. Thế nên, Adtima mang đến “bàn tiệc” giác quan, lan toả không khí Tết ở mọi góc độ giác quan cho người tiêu dùng.

  • Tết Sight: Với live updating app – bản đồ từ Nam đến Bắc với khung cảnh chuẩn bị tết được update liên tục, thương hiệu giúp mọi người cảm nhận được không khí tết ngay tại gia.
  • Tết Sound: Cung cấp audio challenge, audio ads, playlist ngập tràn không khí Tết.
  • Tết Smell và Tết Taste: Mang đến những hình ảnh, bài viết về ẩm thực tết.
  • Tết Touch: Adtima tận dụng lợi thế trên các interactive game, biến trò chơi truyền thống trở nên thú vị và tạo cảm xúc Tết hứng khởi hơn cho mọi người.

Tết Đủ

Dựa trên insight về người tiêu dùng chia sẻ ở trên, Adtima mong muốn gói gọn mọi trải nghiệm Tết từ ăn uống, tặng biếu, trang hoàng, vui chơi… trong một từ Đủ. Đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở đây, người dùng tham gia Quizgame để bày tỏ mong muốn của bản thân vào dịp Tết. Dựa vào đó, Chatbot sẽ đề xuất những gói “Tết Đủ” phù hợp với mỗi người dùng. Đây là nơi nhãn hàng sẽ listing các combo của mình. Ví dụ nhãn hàng nước giải khát có combo “Nước Đủ sảng khoái”, hay nhãn hàng thời trang là “Tết Đủ xinh đẹp”…

Đón Tết Dần, xuân chẳng xoắn

Bên cạnh ngụ ý Tết Nhâm Dần, từ “dần” trong tên chiến dịch còn có nghĩa dần dần, từ từ. Khác với Tết mọi năm, nhân dịp Tết 2022, Adtima mong muốn mọi người sống chậm lại để có thể tận hưởng Tết trọn vẹn hơn.

Hình tượng Calm Tiger (Chú dần dần) độc đáo sẽ xuất hiện xuyên suốt chiến dịch. Theo đó, thương hiệu có thể linh hoạt áp dụng hình ảnh “chú dần” đó vào mọi content của chiến dịch. Về hoạt động, thương hiệu có thể khuyến khích mọi người chuẩn bị cho Tết 2022 sớm hơn 2 tháng bằng các To-do-list Đón Tết Dần như Tết Dần Khoẻ (ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên…), Tết Dần Đẹp (sắm sửa cho bản thân, gia đình, dọn dẹp nhà cửa…).

Nguồn: Brands Vietnam